Khi cơn mưa đầu mùa của Tây Nguyên bắt đầu giăng khắp cũng là lúc những con sâu muồng bám đầy trên lá cây xanh non ở các rẫy cà phê, rẫy tiêu và con đường dẫn vào buôn làng. Những con sâu to tròn kéo kén thành nhộng là món đặc sản của người dân Tây Nguyên khi những cơn mưa mùa hạ bắt đầu đổ xuống.
Không khó khăn để bắt gặp những con sâu muồng đang ăn lá khi đi dọc những con đường trên các quốc lộ hay trên các rẫy cà phê, tiêu trên vùng đất nắng gió này. Sâu có màu xanh đậm, không phủ trên mình một lớp lông như các loài sâu khác mà mình trơn, di chuyển bằng cách cong người lại rồi tung đầu ra phía trước. Bất cứ lúc nào những chú sâu cũng có thể “nhảy dù” trêu người. Sâu muồng không gây ngứa.
Khi kén sâu phủ đầy trên lá và chuyển mình thành những nhộng sâu to tròn, cũng là lúc người dân nơi đây đi tìm bắt để chế biến thành những món đặc sản rất riêng của người Tây Nguyên. Nhộng sâu muồng có vị ngọt bùi, béo ngậy. Người dân Tây Nguyên thưởng thức món nhộng sâu độc đáo này bằng ba cách chế biến là xào, luộc và ăn sống.
Lúc khi mới ăn sâu không quen lắm thì sợ nhưng càng ăn, càng thấy ghiền. Có khi một thời gian không được ăn sâu lại thèm vì không phải mùa nào cũng có sâu nhiều như cuối xuân, đầu hạ”. Có nhiều cách chế biến món sâu. Ai thích cảm giác mạnh thì ăn sống, ai thích cảm nhận hương vị bùi, béo ngậy của nó thì chiên lên rồi dùng mắm xào, ai thích ăn theo kiểu luộc thì sẽ cảm nhận hương vị béo núc của nó.
Với những thực khách thích thưởng thức trọn vị món nhộng sâu này, khi ăn sống sẽ cảm nhận được vị ngọt, béo bùi đặc trưng. Nhộng bắt về làm sạch và thưởng thức từng miếng một với chén rượu cần trong những ngày mưa se lạnh Tây Nguyên thì không gì bằng. Nhưng ăn nhiều sẽ gây cảm giác mau ngán nên chế biến chín là điều thực khách lần đầu thưởng thức nên làm.
Để cảm nhận vị béo núc, ngọt nước, thực khách luộc chín trong những nồi nước sôi. Thưởng thức ngay khi còn bốc khói nghi ngút ta mới cảm nhận được vị đậm đà, béo ngậy của vị món nhộng sâu muồng hiếm có. Với món xào, phải để chảo thật nóng, dùng cành cây đảo sâu cho chín thật vàng, rắc một ít muối ớt chỉ thiên giã nhỏ là đã có một món ăn đậm đà của nắng gió Tây Nguyên.
Đến Tây Nguyên không chỉ có rượu cần, lễ hội cồng chiêng say đắm hay thác nước hùng vĩ, mà ngắm nhìn những đàn bướm lung linh giữa rừng cà phê xanh thắm vào chiều mưa lất phất cũng là trải nghiệm mới lạ đầy thú vị trong tháng 6 mùa sâu muồng đầy lá này.