Ngắm nhìn những cành hoa cà phê trắng muốt dài như tà áo của người thiếu nữ nở trắng trời hay thưởng thức ly cà phê thơm nồng trên chính quê hương của nó sẽ là những trải nghiệm vô cùng tuyệt vời dành cho khách thăm quan khi đến Tây Nguyên tháng 3. Hãy giắt túi cho mình những kinh nghiệm quý báu khi đến với Tây Nguyên mùa hoa cà phê nở trắng trời.
Lựa chọn đúng thời điểm để lên đường
Tháng 3 là một thời điểm tuyệt vời để bạn có thể thưởng thức vẻ đẹp của Tây Nguyên. Đây là thời điểm hoa cà phê nở rộ khắp núi đồi và sâu bướm nở nên bướm vàng bay đầy trời.
Còn nếu muốn ngắm cánh đồng lúa vàng trên nương, hoa dã quỳ vàng rực các nẻo đường phố núi thì đến với Tây Nguyên vào tháng 11, 12 là hợp lý. Lúc này Tây Nguyên rực rỡ nắng vàng và các lễ hội như mừng cơm mới, liên hoan cồng chiêng cũng rộn ràng.
Cách đến với Tây Nguyên
Đường hàng không: từ Hà Nội, Đà Nẵng và TP. HCM đều có các chuyến bay của Vietnam Airlines tới Pleiku, nhưng giá các chuyến bay này cao hơn so với những chuyến đến các tỉnh khác trong khu vực Tây Nguyên như Buôn Ma Thuột hay Đà Lạt. Giá một chiều Hà Nội - Pleiku trung bình khoảng 1,8 triệu - 2,5 triệu đồng.
Nếu chọn đi bằng đường bộ, có rất nhiều các hãng xe khách khởi hành hàng ngày mà bạn có thể lựa chọn.
Đi lại ở Tây Nguyên
Bạn có thể lựa chọn đi taxi, thuê ô tô (nếu đi nhóm lớn), thuê xe máy hoặc đi xe bus. Các hãng taxi đều có giá gần như nhau, không chênh lệch nhiều. Nếu đi xa thành phố, hãy thỏa thuận về giá cả, các loại phí nếu có với tài xế.
Thuê xe ô tô và xe máy
Các khách sạn ở Tây Nguyên thường đều có dịch vụ cho thuê xe máy, giá khoảng 150.000 - 200.000 đồng/ngày tùy loại xe. Nhiều khách thăm quan chọn cách thuê xe máy để tiện di chuyển sang các vùng xung quanh.
Nghỉ ngơi
Khi đi khám phá Tây Nguyên chắc chắn bạn sẽ phải ghé thăm Pleiku, là một trong ba thành phố lớn nhất khu vực Tây Nguyên với sân bay Pleiku nằm ngay trong thành phố khiến những năm gần đây Pleiku trở thành một điểm thu hút khách thăm quan. Từ sân bay vào trung tâm thành phố khoảng 4km, các bạn có thể bắt taxi để đi vào trung tâm thành phố, rất thuận tiện.
Khách sạn, nhà nghỉ ở Pleiku nhiều và giá cả chấp nhận được. Bạn có thể lựa chọn phòng khách sạn với giá từ 150.000 - 400.000 đồng/phòng.
Địa điểm thăm quan
- Quanh thành phố Pleiku: ngắm nhìn thành phố từ núi Hàm Rồng, hay còn gọi là núi ChưH’Rông là một trải nghiệm thú vị.
- Biển Hồ (hồ T’Nưng) còn được gọi là đôi mắt Pleiku. Mặt hồ phủ sương vào lúc sáng sớm cũng là một khoảnh khắc khó quên.
- Chùa Minh Thành với kiến trúc kiểu Đài Loan từ xa đã rất thu hút khách thăm quan vì có một tòa tháp khổng lồ nằm trong một khuôn viên khá đồ sộ. Trong chùa, các chi tiết kiến trúc, điêu khắc đều có dấu ấn riêng.
- Nhà tù Pleiku: đây là nơi giam giữ tù chính trị dưới thời Pháp, Mỹ (trước năm 1975), di tích này nằm ngay trong trung tâm thành phố, cách bưu điện 300 m, hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật được sử dụng trong thời gian trước 1975 ở trong tù cũng như những hình thức tra tấn được áp dụng ở đây.
- Hồ thủy điện Yaly (huyện Chư Puh): Từ Biển Hồ, đi xa hơn về phía Kon Tum, các bạn có thể tham quan một địa danh nổi tiếng từ lâu đời, đó là Hồ Thủy điện Yaly, vé vào cửa là 30.000 đồng/người.
- Thác Phú Cường - hồ Ayun Hạ (huyện Chư Sê): cách thành phố Pleiku hơn 40 km, được ví như dải lụa vắt ngang núi rừng Tây Nguyên, thác nước cao nhất Tây Nguyên.
- Thác Xung Khoeng (huyện Chư Prong): cách thành phố Pleiku khoảng 30 km. Đây lại là một khung cảnh mang một vẻ đẹp hoang dã.
- Vườn quốc gia Kon Ka Kinh: rất thu hút đối với những lữ khách
có máu thám hiểm.
Ẩm thực
Phở khô: có phần giống phở miền Bắc nhưng lại có phần giống hủ tiếu miền Nam. Các tiệm phở khô ở Gia Lai có ở khắp các đường phố. Món này còn có tên khác là “phở hai tô” vì bánh phở và nước được để riêng thành hai bát.
Bún mắm cua: nước dùng bún cũng được nấu từ cua đồng như canh bánh đa cua, bún riêu cua nhưng điểm khác biệt nhất đó là cua đồng sau khi lọc lấy nước thì nước này được ủ khoảng 1 ngày để lên men, đây chính là lý do tại sao món này lại có mùi vị khác biệt.
Bò một nắng chấm muối kiến vàng: đây thực sự là loại muối độc nhất vô nhị, được làm từ kiến của rừng Ayun Pa, Krong Pa. Người dân ở khu vực này phải vào rừng sâu để bắt được loài kiến này, đem về rang sơ, giã với ớt thật cay, trộn với một vài loại lá rừng, muối hột và dùng để chấm thịt nướng.
Canh lá bép: Những người dân nơi đây tìm thấy trong rừng của mình có hàng trăm các loại lá khác nhau mà không nơi nào có được, và lá bép là một trong những loại có nhiều nhất. Lá này có vị ngọt lợ nên người dân còn gọi là “lá mỳ chính”.
Cá chua: cá được đánh hết vẩy, bỏ ruột, bóc mang và rửa sạch, cắt thành khúc. Khi cá se khô, bắt đầu trộn đều với muối, ớt, lá bép, thính ngô, sau đó cho vào ống nứa hay ống lồ ô khô, sạch, nút thật kín. Sau vài ngày, thịt cá nhờ các gia vị này lên men và đem lại một mùi vị khác lạ.
Đến với Chương trình Tây Nguyên mùa hoa cà phê nở trắng trời xuân, Lữ khách sẽ được chiêm ngưỡng cảnh sắc một không gian rộng lớn ngập tràn sắc trắng tinh khôi của loài cây làm nên thương hiệu của mảnh đất này.