Những điều huyền bí từ Cọp, theo người xưa qua những kinh nghiệm từng trải, cho rằng con cọp khi chết đi thân xác nó có nhiều tác dụng :
Về nanh cọp
- Trẻ con hay người lớn đeo nanh cọp trước ngực sẽ tránh được phong hàn, gió độc.
- Nam nữ thanh niên xem nanh cọp như thứ bùa yêu, ai đeo nó trong người sẽ ăn nói rất có duyên, dễ gây cảm tình với người khác phái.
- Có người còn nói có nanh cọp tên bắn không thủng, đạn ghim không chết, đi rừng gặp thú dữ nào cũng không sợ chúng tấn công.
Bởi thế từ xưa mọi người thường đi tìm nanh cọp để phòng thân, và tạo nó thành món hàng trang sức độc đáo, nhưng trong 10 nanh cọp tỷ lệ nanh cọp thật chỉ có một hai cái, do con buôn làm ra từ sừng trâu hoặc từ ngà voi.
Về râu cọp
Thông thường người đi săn cọp, khi hạ được cọp liền đốt râu ria của chúng không để tồn tại. Mọi người cho rằng, ai có được râu ria của cọp nuôi thành sâu để dùng hại người. Do khi râu cọp đựng trong ống tre nứa chôn sâu dưới đất đủ 100 ngày, mỗi sợi râu biến thành một con sâu độc. Sâu độc bò qua thức ăn, chén, muỗng, đũa, ai dùng phải sẽ trúng độc mà chết. Sâu bò qua áo quần sẽ trở bệnh phong cùi ghẻ lở ...
Về xương cọp
Ngoài nanh và râu cọp có những điều thần bí như trên, nhưng về xương cọp lại trở thành môn thuốc quý hiếm. Trong họ Mèo, cọp là loài động vật to khỏe nhất. Đầu to tròn, cổ ngắn, tai nhỏ ngắn; bốn chân to khỏe, móng rất sắc và nhọn, đuôi dài bằng nửa thân, có giá trị kinh tế rất lớn, thịt ăn ngon và bổ, da thuộc để trang trí hay nhồi thành cọp bông; còn xương cọp dùng làm thuốc. Trung bình một bộ xương cọp nặng từ 10 có thể nặng đến 16 kg, cọp nhỏ chỉ choxương chừng 4-5 kg . Căn cứ vào sức nặng của bô xương, người ta xác định được giá trị và phẩm chất của cao hổ cốt, và giá mua xương cọp có khác nhau. Bộ xương cọp dưới 4 kg được coi là loại xấu.
Toàn bộ xương cọp đều tốt trong việc nấu cao, nhưng xương 4 chân và xương đầu được coi quý nhất, đặc biệt xương chân trước không thể thiếu được, một vì tỷ lệ xương chân trước là chủ yếu, hai vì xương chân trước có một lỗ hổng đặc biệt gọi là mắt phượng, có thể dùng phân biệt thực giả. Theo kinh nghiệm người miền núi, khi nấu cao hổ cốt ít khi sử dụng một loại xương cọp, mà phối hợp với xương nhiều con vật khác và các vị thuốc thảo mộc như thiên niên kiện, địa liên v.v…
Nên khi nấu tốt nhất kiếm đủ 5 bộ xương cọp, một bộ xương khỉ, một bộ xương sơn dương vì xương cọp là vị chủ yếu (quân) có kèm theo hai vị thần, nghĩa là có vua có quan.
Tại nước ta ít khi thấy dùng xương cọp làm thuốc, nhưng tại Trung Quốc người ta dùng xương 4 chân, xương đầu và xương cổ, nhưng phải loại xương màu vàng mới tốt. Khi dùng lấy chày đập vỡ, cạo bỏ tủy, đổ bằng rượu hay bằng dắm. Rồi nướng trên than thành màu vàng nhạt dùng để sắc uống hay dùng ngay xương này để ngâm rượu.
Xương và cao hổ cốt là một vị thuốc rất được tín nhiệm trong dân gian, chủ yếu dùng trong những bệnh đau xương, tê thấp, đi lại khó khăn, đau nhức và còn dùng trong những bệnh cảm gió hay bị điên cuồng.
- Rượu hổ cốt chữa yếu xương, viêm xương.
- Một hình thức dùng cao hổ cốt làm thuốc bồi dưỡng : làm thịt một con gà giò, mổ bỏ ruột. Cho vào bụng con gà một miếng cao hổ cốt nặng chừng 10 – 20g. Rồi đặt con gà có cao hổ cốt vào một cái nồi đất hoặc nồi tráng men (tránh nồi kim loại) có nắp. Thêm vào một chén rượu nhỏ, không cho nước vào nồi. Đặt tất cả vào nồi để nấu cách thủy.
Nước trong thịt con gà sẽ hòa tan cao và các chất trong thịt gà cho thật chín dừ. Chỉ lấy chất nước tiết ra mà cho người đau yếu ăn.