Nếu bạn là một người yêu rừng núi, Tây Nguyên là một điểm đến không thể bỏ qua. Để tìm hiểu về địa danh, ẩm thực, con người nơi đây, một vài ngày không thể đủ.
Xuất phát từ TP HCM, khi tới ngã tư Dầu Giây, tôi không rẽ trái mà tiếp tục đi thẳng đến Long Khánh, men theo con đường kề đường ray xe lửa để rẽ vào TL766. Đường này không giúp tôi đi nhanh hơn so với QL20, thay vào đó là những ruộng lúa, núi non bạt ngàn.
Qua đèo Tà Pứa, đi không xa nữa là đến thị trấn Đạ M’Ri, trở lại QL20. Đến Bảo Lộc, tôi nghỉ chân, thưởng thức bánh canh cá lóc.
So với Đà Lạt, Bảo Lộc không bì kịp về mặt hành trình, nhưng vẫn có khá nhiều chỗ đáng để tham quan: thác Đambri, đồi chè Tâm Châu và những con đường ngang dọc không nhiều người biết đến.
Đồi chè lúc sáng sớm. Tham quan đồi chè xong, tôi tìm đường ra TL725. Đường này dẫn vào QL28 để đến địa phận tỉnh Đăk Nông.
Điểm đến tiếp theo là hồ Tà Đùng - nơi được mệnh danh “Vịnh Hạ Long của Tây Nguyên”. Nếu có dịp, bạn hãy thuê thuyền chở ra giữa lòng hồ tham quan và cắm trại trên đảo.
Tôi tiếp tục về Di Linh rồi đi lên Đà Lạt nghỉ ngơi. Không chỉ có khí hậu mát mẻ, nhiều điểm tham quan trải nghiệm, Đà Lạt còn là thiên đường để thỏa tâm hồn ăn uống, với bánh canh, bánh căn, bánh ướt lòng gà, đồ nướng… Buổi tối, tìm một quán sữa nóng ngồi hơ tay, trò chuyện với bạn bè trong cái thời tiết lành lạnh sẽ cho bạn cảm giác khó tìm thấy ở Sài Gòn.
Bữa sáng ở quán bánh mì xíu mại đường Hoàng Diệu.
Đi chơi ở ngoại thành Đà Lạt, chúng tôi bắt gặp cảnh sương sớm hồ Suối Vàng.
Nắng sớm.
Trên đường lên thác Cam Ly.
Nếu gặp mưa và may mắn, bạn sẽ nhìn thấy những cánh rừng xanh hơn và mây ở gần hơn.
Ngôi nhà đơn sơ tựa lưng vào núi.
Rừng, núi và mây.
Công nông - phương tiện quen thuộc của người dân Tây Nguyên.
Hãy đến bắt chuyện, và bạn sẽ biết được nhiều hơn về mảnh đất này.
Lên Đà Lạt, chớ quên tìm một góc thật đẹp, để thưởng thức ly cà phê cao nguyên trước khi xếp hành lý vào balô trở về cuộc sống vội vã.