Giống như người Kinh ăn tết Nguyên đán, ở các dân tộc vùng Tây Nguyên sau mùa thu hoạch, cũng trùng vào dịp cuối năm âm lịch, tổ chức lễ ăn cơm mới. Hằng năm, sau khi thu hoạch, người ta tổ chức lễ ăn cơm mới, vừa để tạ ơn thần, vừa để vui mừng chung hưởng kết quả của một quá trình lao động nhọc nhằn, vất vả. Tuy cách tổ chức cùng vài nghi thức tiến hành của từng tộc người có những nét khác nhau, nhưng đều mang chung một ý nghĩa : tạ ơn thần sau khi kết thúc một chu kỳ sản xuất chính của năm.
Giống như người Kinh ăn tết Nguyên đán, ở các dân tộc vùng Tây Nguyên sau mùa thu hoạch, cũng trùng vào dịp cuối năm âm lịch, tổ chức lễ ăn cơm mới. Hằng năm, sau khi thu hoạch, người ta tổ chức lễ ăn cơm mới, vừa để tạ ơn thần, vừa để vui mừng chung hưởng kết quả của một quá trình lao động nhọc nhằn, vất vả. Tuy cách tổ chức cùng vài nghi thức tiến hành của từng tộc người có những nét khác nhau, nhưng đều mang chung một ý nghĩa : tạ ơn thần sau khi kết thúc một chu kỳ sản xuất chính của năm.
Cách tổ chức lễ hội không diễn ra đồng loạt, mà tuần tự hết nhà này sang nhà khác trong buôn làng theo một trật tự đã thoả thuận trước. Việc tổ chức lễ ăn mừng lớn hay nhỏ là tuỳ thuộc vào khả năng thu hoạch nhiều hay ít của từng gia đình, và cũng tuỳ theo đó mà thời gian có thể kéo dài một hay nhiều ngày. Đây cũng là dịp gia chủ mời bà con, họ hàng, bạn bè các buôn lân cận cùng vui chơi, ăn uống. Nhà nào có đông khách coi như là niềm vinh dự. Vì thế, ngoài việc cúng thần, hồn lúa và tổ tiên cùng với việc cầu mong sức khoẻ cho gia đình, người ta đánh cồng, chiêng, trống, vui chơi ca hát suốt nhiều ngày đêm liền.
Lễ ăn cơm mới của người Êđê mang đậm nét dấu ấn của tục "ăn năm, uống tháng", nhàn hạ trong không khí mùa xuân núi rừng. Họ vui say thoả thích, ca hát thâu đêm, để rồi sau đó lại hăng hái chuẩn bị cho mùa trồng tỉa mới với nhiều hy vọng mới.