Măng Đen là dải phân cách chính giữa Trường Sơn Đông và Trường Sơn Tây, thuộc địa phận huyện Kon Plong. Măng Đen là cách người Kinh gọi chệch từ tên T'mang deeng, tiếng Mơ Nâm có nghĩa là chỗ đất bằng phẳng.
Điểm hấp dẫn khách thăm quan của KDL sinh thái Măng Đen
Cao nguyên Măng Đen nằm ở độ cao khoảng 1.300 m so với mặt nước biển, khí hậu quanh năm mát mẻ, nhiệt độ không khi nào cao hơn 22 độ C. Đến Măng Đen, khách thăm quan có cảm giác như một Đà Lạt vào những năm giữa thế kỷ trước: xanh bạt ngàn, hoang sơ...
Không chỉ hấp dẫn Lữ khách bởi mức nhiệt trung bình khoảng 20 độ C, Măng Đen còn đặc biệt quyến rũ bởi rừng thông từ 30 - 70 năm tuổi. Sim, mua mọc san sát, phủ tím những con đường mòn dẫn vào các khu rừng nguyên sinh. Màu xanh ngút ngàn của rừng càng làm nổi bật lên những nét chấm phá màu trắng bạc của hồ, thác nước, khe suối róc rách để khung cảnh Măng Đen sơn thủy hữu tình như tranh thủy mặc. Trong rừng, vẫn còn những cây cổ thụ một người ôm không xuể, những loại gỗ quý hiếm như thông đỏ, pơ mu và các dược liệu quý như trầm dó, quế cùng nhiều loài động vật hoang dã như trăn, sơn dương, nhím... Ngoài bạt ngàn cây xanh, ở Măng Đen thỉnh thoảng bạn còn bắt gặp nhiều suối, thác đẹp nổi tiếng như: Paish, Dakke, Lô Ba và những hồ thơ mộng: Toong Zơri, Toong Pô, Toong Đam...
Trải nghiệm khó quên tại khu thăm quan sinh thái Măng Đen
Nếu là người ưa khám phá, bạn nên thả bộ dưới tán thông vi vu gió, ngắm những dò lan rừng đua nhau tỏa hương, khoe sắc. Nơi đây còn có vườn thú với nhiều loài như heo rừng, nai, gà, nhím... Đẹp nhất là khu vườn thực nghiệm trồng rất nhiều loại rau, hoa xứ lạnh để phục vụ nhu cầu của người dân và khách thăm quan. Được xem như là “Đà Lạt của Kon Tum”, Măng Đen có rất nhiều hồ nước rộng mênh mông nằm dưới các tán thông mà dân địa phương gọi là “toong”, như các toong Ly Leng, Pô, Jơri, Săng, Đăm, Ki, Lung Rpoong... Nếu đến đây vào khoảng tháng 4 hay tháng 5, chúng ta sẽ càng thích thú với vẻ đẹp rực rỡ của các loài hoa sim, phong lan ven bờ hồ, xung quanh lá thông trải một lớp thảm dày mượt như nhung.
Sau khi lang thang trong rừng xanh, bạn sẽ ghé nhà Rông bên hồ để hòa mình vào vũ điệu cồng chiêng của đồng bào dân tộc thiểu số bản địa. Trên địa bàn huyện Kon Plong có 5 dân tộc anh em: người Mơ Nâm, Ca Dong, Xê Đăng, Hre, Kinh sống chan hòa đan xen lẫn nhau. Mỗi dân tộc có nét văn hóa, phong tục tập quán với bản sắc riêng, tạo nên đời sống đa dạng cho vùng đất này. Đó là cách làm ruộng bậc thang, làm vườn, săn bắn, chăn nuôi gia súc hay tập tục cưới xin, tín ngưỡng…